Bình Định: Sẽ ban hành chính sách hỗ trợ di dời tàu cá neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn và các khu vực lân cận (07-06-2024)

Ngày 21/5, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định đã ban hành đề án di dời tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn (TP. Quy Nhơn) và khu vực lân cận về neo đậu tại khu vực đầm Đề Gi. Ước tính có khoảng 602 tàu cá tại Quy Nhơn thuộc diện di dời.
Bình Định: Sẽ ban hành chính sách hỗ trợ di dời tàu cá neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn và các khu vực lân cận

Theo Đề án, trong năm 2024, tỉnh sẽ ban hành chính sách hỗ trợ di dời tàu cá neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn và các khu vực lân cận về khu vực đầm Đề Gi. Nội dung của chính sách gồm: Hỗ trợ di dời tàu cá (hỗ trợ mua đất ở theo giá nhà nước), hỗ trợ tiền trông giữ tàu cá, hỗ trợ xả bản tàu cá và chuyển đổi nghề cho ngư dân, hỗ trợ ổn định cuộc sống, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh và cá nhân làm dịch vụ hậu cần nghề cá trong cảng cá Quy Nhơn.

Phân kỳ 2 giai đoạn di dời

Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ di dời toàn bộ tàu cá neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn, âu thuyền Phan Chu Trinh và khu vực dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Hà Thanh mở rộng ra đến công viên Quốc Thắng (dọc đường Đống Đa, TP. Quy Nhơn) về neo đậu tại khu vực đầm Đề Gi.

Việc di dời được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 1.1.2025, di dời toàn bộ tàu cá neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn, âu thuyền Phan Chu Trinh và khu vực dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Hà Thanh mở rộng ra đến công viên Quốc Thắng dọc đường Đống Đa.

Giai đoạn 2, sau khi đã thực hiện di dời hết tàu cá của giai đoạn 1, sẽ tiến hành di dời toàn bộ tàu cá tại khu vực xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn.

Ước tính có khoảng 602 tàu cá tại Quy Nhơn (48 tàu chiều dài dưới 6m, 267 tàu dài từ 6 đến dưới 12m, 181 tàu dài từ 12 - 15m và 106 tàu dài từ 15 đến dưới 24m) sẽ thực hiện di dời theo đề án đã đặt ra.

Về nguyên tắc di dời, theo UBND tỉnh Bình Định, chỉ tổ chức thực hiện di dời đối với các tàu cá hiện đang neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn, âu thuyền Phan Chu Trinh và khu vực hậu cần nghề cá Bắc Hà Thanh mở rộng ra đến công việc Quốc Thắng dọc đường Đống Đa và khu vực xã Nhơn Hải mà chủ tàu có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống tại Quy Nhơn.

Đối với các chủ tàu cá khác không tổ chức thực hiện di dời mà tự di dời đi nơi khác neo đậu.

Về Phương án thực hiện, đối với tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên (khoảng 538 chiếc), có đăng ký, đăng kiểm hành nghề khai thác thủy sản thực hiện di dời về neo đậu tại khu neo đậu đầm Đề Gi hoặc xả bản tàu cá và chuyển đổi nghề. Đối với tàu có chiều dài dưới 6m và tàu không được đăng ký tàu cá hành nghề khai thác thủy sản thực hiện xả bản.

Để phục vụ công tác di dời, Bình Định sẽ đầu tư mở rộng cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát), trong đó xây dựng cầu đứng dài khoảng 300m, mở rộng đưa diện tích cảng cá lên khoảng 4ha, xây dựng nhà phân loại cá…Ngoài ra, tỉnh Bình Định cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá để đáp ứng nhu cầu khi tàu cá ở Quy Nhơn di dời về neo đậu.

Khu neo đậu tàu thuyền sẽ được thực hiện theo dự án khu neo đậu tránh trú bão đầm Đề Gi đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Ngoài ra, sẽ đầu tư xây dựng khu tái định cư Vĩnh Lợi (khoảng 5ha, ở huyện Phù Mỹ), để bố trí quỹ đất tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi di dời tàu thuyền từ TP. Quy Nhơn về đầm Đề Gi.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định giao Sở NN&PTNT tham mưu để thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác thực hiện di dời. Chủ trì cùng với các sở, ngành liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ di dời, trình UBND tỉnh phê duyệt. Các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao…

Mới đây, để thông tin rộng rãi và tạo sự đồng thuận của người dân đối với chủ trương của đề án, UBND TP Quy Nhơn phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các phường có tàu cá tổ chức những buổi gặp gỡ chủ tàu đang neo đậu ở Cảng cá Quy Nhơn và các khu vực lân cận, để thông tin về Ðề án di dời tàu ra neo đậu tại khu vực đầm Ðề Gi, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con.

Bà con mong muốn hỗ trợ chuyển đổi nghề, ổn định sinh kế

Các hội trường tổ chức cuộc gặp gỡ luôn chật kín người. Đa số chủ tàu đồng tình di dời, nhưng mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi để ổn định thu nhập và phát triển kinh tế gia đình.

Đa số chủ tàu đã chia sẻ điều này tại các buổi gặp gỡ, đối thoại; nhiều ngư dân, đặc biệt là những chủ tàu ở phường Trần Phú, Hải Cảng có quê gốc ở huyện Phù Mỹ bày tỏ quan ngại về địa điểm neo đậu tàu thuyền tại đầm Đề Gi. “Trước đây không ít lần tàu thuyền ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) đến mùa mưa bão bị sóng đánh dạt khi neo đậu ở đầm Đề Gi. Rất mong các cấp, ngành nghiên cứu thật kỹ, hoàn thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật, để đảm bảo an toàn cả tính mạng và tài sản cho ngư dân chúng tôi”, một ngư dân ở phường Lê Lợi trong diện di dời chia sẻ.

Cùng với những chủ tàu đồng ý di dời, có không ít người chọn phương án xả bản tàu, lưỡng lự giữa việc đi - ở. Số người này quan tâm rất nhiều đến những chính sách hỗ trợ, trong đó có việc chuyển đổi nghề.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác